Hơn 90% số du học sinh Trung Quốc trong 10 năm qua là đi tự túc thay vì được hưởng học bổng. Bởi vậy khi thị trường bất động sản đi xuống khiến nhiều nhà giàu mất tiền, những “cậu ấm cô chiêu” này phải gánh hậu quả
Cách đây 2 năm, anh Michael Bai là một du học sinh Trung Quốc ở Scotland, thuộc gia đình giàu có. Bố mẹ anh Bai kinh doanh, đầu tư trên mọi lĩnh vực, từ khách sạn, truyền thông cho đến bất động sản ở Thâm Quyến.
Thế nhưng khi Bai bước vào kỳ thi năm học đầu tiên thì nhận được tin dữ từ chính người cha: Gia đình họ đã phá sản do nền kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản gặp khó, khiến nhiều dự án đổ bể.
“Con sẽ phải cố vay mượn tiền của bạn bè mà đóng học thôi”, cha của anh Bai nói với đứa con du học sinh của mình.
Vậy là anh Bai, từ một “cậu ấm cô chiêu” chẳng phải lo nghĩ gì buộc phải từ bỏ cuộc sống xa hoa tại Scotland để đi giao hàng thực phẩm, rửa chén bát ở nhà hàng và làm phục vụ bồi bàn để có tiền ăn học.
“Không có một nhà hàng Trung Quốc nào ở thành phố này mà tôi chưa từng làm phục vụ qua”, anh Bai, du học sinh của trường đại học Glasgow ngậm ngùi nói.
Anh Michael Bai
Thế nhưng câu chuyện của Bai chỉ là một trong số rất nhiều du học sinh Trung Quốc, vốn được bố mẹ giàu có cho theo học tự túc bằng tiền của gia đình hơn là vì học bổng hay thực lực.
Mong muốn ban đầu của các gia đình này là muốn con cái họ có bằng cấp và nhận được nền giáo dục tốt hơn trong nước, qua đó đảm bảo sự nghiệp hoặc kế thừa được việc kinh doanh của cha mẹ sau này.
Thuy nhiên sự giảm tốc của nền kinh tế cũng như khó khăn của thị trường chứng khoán hậu đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.
Số liệu của Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy nước này có hơn 700.000 du học sinh tại nước ngoài năm 2019, nhiều gấp 18 lần so với năm 2000.
Tuy nhiên tiền học phí vốn dễ dàng với nhiều bạn du học sinh cách đây vài năm thì hiện nay lại làm khó các “cậu ấm cô chiêu”.
Lên voi xuống hố
Kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc có cuộc cải cách mở cửa vào thập niên 1980, rất nhiều bạn trẻ đã du học ở nước ngoài qua con đường học bổng hoặc tự túc như một lối đi đảm bảo cho sự nghiệp tương lai.
Tuy nhiên khi mức sống của người dân tăng lên, GDP bình quân đầu người từ chưa đến 1.150 USD năm 2002 lên đến 12.740 USD năm 2022 thì ngày càng nhiều gia đình có điều kiện cho con du học tự túc.
Thậm chí, du học đã trở thành một xu thế tại Trung Quốc nhằm thể hiện sự khá giả và “đẳng cấp” trong xã hội, bên cạnh vấn đề đảm bảo sự nghiệp và tương lai cho thế hệ kế cận.
Chính điều này đã dẫn đến hình ảnh các du học sinh Trung Quốc nhà giàu, mua nhà cửa, xe sang và ăn chơi xa xỉ tại nhiều nước trên thế giới từ tiền của gia đình.
Nguồn thu chính của những nhà giàu mới nổi này chủ yếu đến từ bất động sản khi thị trường này là động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc vài thập niên trở lại đây.
“Các hộ gia đình trung lưu chỉ cần bán một căn hộ là thừa tiền cho con đi du học”, Tổng thư ký Maybel Lu Mial của Trung tâm toàn cầu hóa Trung Quốc (CCG) tại Bắc Kinh nhận định.
Theo CCG, hơn 90% số du học sinh Trung Quốc trong 10 năm qua là đi bằng đường tự túc thay vì học bổng. Thế nhưng khoảng 70% tài sản của các gia đình ở nước này lại gắn liền với bất động sản.
Hậu quả là khi thị trường khó khăn do chính phủ siết chặt quản lý vốn cũng như nguồn cầu yếu, các gia đình trên không thể bán bất động sản của mình kể cả với giá rẻ.
Đó là chưa kể đến thị trường chứng khoán rung lắc cũng khiến nhiều gia đình thua lỗ khi đầu tư vào đây.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn ở mảng bất động sản, công nghệ, giáo dục cũng đua nhau sa thải lao động kể cả với chuyên gia hay quản lý cấp cao. Hàng chục nghìn công việc bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhiều bậc cha mẹ có con du học.
Chính những nguyên nhân này đã khiến các du học sinh Trung Quốc từng nổi tiếng về độ ăn chơi của mình buộc phải gánh hậu quả.
Giấc mộng phù hoa
Các chuyên gia kinh tế cho rằng giấc mộng thế hệ sau sẽ có sự nghiệp tốt hơn nhờ nền giáo dục tốt hơn của các bậc phụ huynh Trung Quốc đã đổ bể.
Nguyên nhân chính là đà tăng trưởng nóng hàng thập kỷ khiến nhiều gia đình lâm vào ảo tưởng giàu sang mà quên đi rằng phần lớn tài sản của họ nằm trong các kênh đầu tư có tính rủi ro nhất định.
Sự mất cảnh giác về đảm bảo an toàn tài chính khiến nhiều gia đình không đa dạng hóa các kênh đầu tư cũng như trú ẩn tài sản.