Nếu đã chán các địa danh quen thuộc ở ‘xứ mắm’, cánh cổng trước ngôi chùa theo kiến trúc Khmer Nam Bộ là gợi ý không tồi dành cho bạn.
Ít du khách biết đến chùa Khmer Koh Kas (Tual Pra Sat) ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang. Thế nhưng thời gian gần đây, nó lại gây chú ý nhờ chiếc cổng nằm lẻ loi giữa đồng. Không địa chỉ cụ thể nên muốn mục sở thị Koh Kas, bạn phải lần theo đường vào chùa Hàng Còng (chùa Kran Krok), một trong những điểm check-in hot trên bản đồ du lịch miền Tây. Chùa Koh Kas nằm sau lưng chùa Hàng Còng.
Cổng chùa Koh Kas nhìn từ trên cao – Ảnh Eric.do.88 |
Ấn tượng đầu tiên là kiến trúc Khmer hiện rõ trên chiếc cổng với những hoa văn, họa tiết Phật giáo tinh xảo. Nóc cổng có ba tháp nhỏ, được chống đỡ bởi bốn trụ vững chắc. Mỗi đỉnh tháp đặt tượng đầu thần bốn mặt thường thấy trong văn hóa Khmer Nam Bộ. Xung quanh là nhiều tượng rắn thần Naga có ý nghĩa xua đuổi tà ma.
Như nhiều ngôi chùa Khmer khác, chùa Koh Kas được xây dựng trên nền một khu đất rộng, bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt cho bóng mát. Cổng cách chùa chính bởi con đường làng quanh co dài khoảng hơn 500 m, nhìn cũ kỹ, nhuốm màu thời gian nên người địa phương gọi cánh cổng này là “cổng thời gian”. Còn nếu biết chọn góc chụp, bạn sẽ tậu được bức ảnh với phông nền trời cao, núi non phía xa trông khá ảo diệu. Do đó, các phượt thủ gọi đây là “cổng trời”, dù nó nằm ngay trên mặt đất.
Ảnh Nguyễn Ngọc Bảo |
Thời điểm sống ảo đẹp nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát, thời điểm vẫn đủ điều kiện ánh sáng để dễ dàng chụp bức ảnh ưng ý nhưng bạn không phải chịu cảnh nắng gắt như buổi trưa. Du lịch đúng mùa lúa xanh hoặc chín, bạn còn có thể tạo dáng đủ kiểu bên đồng lúa xanh ngắt hay vàng ươm ở hai bên đường đất. Ngoài ra, bạn nên kết hợp thăm vài điểm lân cận khá nổi như hồ Tà Pạ, hồ Latina, cánh đồng thốt nốt… Từ Châu Đốc, bạn tìm đường đi Ba Chúc. Tới ngã ba Ba Chúc thì quẹo phải, tiếp tục chạy thẳng thì gặp cánh cổng này nằm phía tay phải.
Ảnh chau_vl, ntan.97
Thúy Hằng (tổng hợp)