Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc, cho biết năm 2016 lượng khách đến tham quan đạt 500.000 người, tăng 200% so với năm 2015. Từ năm 2017, điểm đến bắt đầu thu phí tham quan và lượng khách du lịch tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Với đà phát triển như hiện nay, ban quản lý làng văn hóa đặt mục tiêu đón một triệu lượt khách vào năm 2020.
Từ tổ chức sự kiện, hoạt động theo tháng, làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức hoạt động hàng ngày, hàng tuần của một số dân tộc kết hợp biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Chùa Khmer trong Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hachi8.
Thời gian qua có gần 100 doanh nghiệp lữ hành gửi khách tới làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (trong đó gần 20 doanh nghiệp thường xuyên gửi khách). Tuy nhiên, tại talkshow “Ngôi nhà chung – điểm đến hấp dẫn”, một số doanh nghiệp lữ hành, đại diện hiệp hội du lịch… đã chỉ ra những hạn chế và đóng góp ý kiến để làng Văn hóa trở thành điểm đến thu hút du khách hơn.
Đa số ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch hiện có tại đây chưa đáp ứng tốt yêu cầu du khách; việc khai thác lợi thế của một khu du lịch – văn hóa còn hạn chế; công tác quảng bá xúc tiến chưa chuyên nghiệp; nhân lực phục vụ hoạt động du lịch thiếu; các dịch vụ du lịch chưa nhiều…
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho rằng làng cần tập trung khai thác du lịch, khôi phục vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại phù hợp với du khách trong nước và quốc tế.
Là người trực tiếp đưa khách đến làng văn hóa, ông Phạm Hải Quỳnh, chủ nhiệm CLB Du lịch cộng đồng (CTC), chia sẻ thiếu dịch vụ ăn uống là một trong những điều gây khó khăn khi hướng dẫn ở đây. Do đó, ông Quỳnh kiến nghị phát triển đồng bộ các dịch vụ như ăn – chơi – ngủ – giải trí nhưng không được làm mất đi nét truyền thống, văn hóa, có như vậy mới thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách.