Hình ảnh mới đây cho thấy có hồ nước sâu chừng 30 m nằm ở trên miệng phun của Kīlauea – một trong những núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2018, một hồ dung nham lớn đã sủi bọt và tràn ra từ miệng phun Halema’uma’u của núi lửa Kīlauea, Hawaii (Mỹ). Đến tháng 5/2018, một phần của vụ phun trào rộng hơn đã đưa dung nham từ khe nứt về phía đông và hồ nhanh chóng thoát nước.
Vào tháng 7/2019, các phi công trực thăng bắt đầu nhận thấy nước chảy ra từ một hồ ở phần thấp nhất của miệng núi lửa. Từ đó tới nay, mực nước đã tăng đều đặn.
Đến nay, hồ nước hình thành với diện tích tương đương với khoảng 5 sân bóng bầu dục, độ sâu tối đa khoảng 30 m. Nước trong hồ có màu nâu rỉ sét trên bề mặt do phản ứng hóa học diễn ra bên trong.
Mới đây, hình ảnh do vệ tinh ghi lại về sự phát triển của hồ nước trên miệng núi lửa Kīlauea vừa được chia sẻ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hồ nước xuất hiện tại Halema’uma’u.
Theo các nhà nghiên cứu, hồ nước ở miệng phun Halema’uma’u xuất hiện do mực nước ngầm tại khu vực núi lửa.
Trước đó, nhóm đã khoan hố sâu hơn 1 km ở phía nam của miệng phun để đo mực nước ngầm. “Khi tạo ra chiếc hố thấp hơn mực nước ngầm, nước sẽ chảy vào và lấp đầy”, ông Don Swanson, nhà nghiên cứu núi lửa thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, giải thích nguyên nhân hình thành.
Kīlauea vốn là núi lửa hình khiên, hiện đang hoạt động tại quần đảo Hawaii (Mỹ), đồng thời là núi lửa tích cực nhất trong số 5 núi lửa tạo nên quần đảo này.
Núi lửa này tọa lạc tại bờ nam của đảo, có tuổi từ 300.000 đến 600.000 và nổi lên trên mặt biển khoảng 100.000 năm trước. Với chiều cao hơn 1200 m, núi lửa Kīlauea chiếm tới 14 % diện tích đảo lớn của Hawaii. Trên đỉnh Kīlauea có một hõm chảo lớn và miệng phun Halema’uma’u nằm trong hõm chảo này.
Thúy Hằng (tổng hợp)